BỘ TRƯỞNG NGUYỄN MẠNH HÙNG PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN HỌP LẦN THỨ NHẤT CỦA UBQG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

VietNamNet - VietNamNet trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chiều ngày 30/11.



Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban QG về chuyển đổi số. 
 

Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số,

Kính thưa các đồng chí thành viên Uỷ ban,

Thưa các đồng chí, 

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

​Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

​Ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Uỷ ban).

​Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban đã cho thấy rõ sự quan tâm, cam kết mạnh mẽ của Người đứng đầu Chính phủ đối với công cuộc chuyển đổi số ở nước ta.

Đại dịch Covid-19 là cú huých mạnh mẽ cho CĐS. Họp, học trực tuyến và ứng dụng công nghệ số đã diễn ra rất nhanh chóng trên phạm vi toàn quốc, động chạm cùng lúc tới hàng chục, hàng trăm triệu người dân. Nhưng cách tiếp cận, cách làm vẫn rời rạc như thời CNTT. Đã nảy sinh các vấn đề về kết nối, liên thông giữa các bộ ngành, các địa phương, công nghệ thì nơi dùng nơi không, lúc dùng lúc không, dữ liệu không được cập nhật, thiếu chính xác, vấn đề lộ lọt thông tin, sử dụng phức tạp v.v... Nhiều vấn đề đã lộ ra và chúng ta đã nhanh chóng khắc phục, nhiều bài học đã được rút ra sẽ là hành trang quan trọng để chúng ta bước vào giai đoạn CĐS.

Tôi xin phép phát biểu một số ý về thay đổi nhận thức, cách tiếp cận và cách làm khi thực hiện CĐS, nhất là so sánh với cách làm CNTT.

Nếu ứng dụng CNTT là công việc chủ yếu của giám đốc CNTT thì CĐS lại là công việc chủ yếu của người đứng đầu. Uỷ ban quốc gia về CĐS do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, và tiếp theo, Ban chỉ đạo về CĐS của các bộ ngành và địa phương sẽ phải do bộ trưởng và chủ tịch tỉnh đứng đầu. 

Nếu ứng dụng CNTT là số hoá các chức năng cũ của tổ chức, tức là số hoá theo chiều dọc, nó không đòi hỏi phải thay đổi nhiều về các qui trình hoặc vận hành của tổ chức, thì CĐS là số hoá theo chiều ngang, là số hoá toàn bộ tổ chức, và tiếp theo là thay đổi qui trình, cách vận hành của tổ chức. Do vậy, CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về CĐS, trong đó có việc tạo ra các thể chế số. Đối với các mô hình mới chưa có qui định thì cho phép thử nghiệm có kiểm soát, và để đẩy nhanh việc cho phép này thì Chính phủ ban hành một khung thể chế về việc làm thí điểm. Chính phủ cũng phải đi đầu về CĐS chính hoạt động của mình. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho CĐS thì sẽ tạo ra thị trường CĐS cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của CĐS. Đó sẽ là những cú huých quan trọng cho CĐS thành công tại Việt Nam.

Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa. Chúng ta đã có Chương trình quốc gia về CĐS, tiếp theo đó là các chiến lược thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đó là tầm nhìn của chúng ta về CĐS. Chiến lược về chính phủ số thì đã phê duyệt, chiến lược về kinh tế số và xã hội số thì đã trình và đang chờ phê duyệt trong tháng 12/2021 này. Tiếp theo đây sẽ là chương trình hành động về CĐS theo năm. Ai làm gì và khi nào xong. Kết quả của phiên họp đầu tiên này của Uỷ ban sẽ là kế hoạch năm 2022 cho các bộ ngành, các địa phương và các doanh nghiệp. Điểm đặc biệt là, lần đầu tiên chúng ta giao việc phát triển một số nền tảng số quốc gia cho một số doanh nghiệp chủ chốt. Như vậy, CĐS không chỉ là sự tham gia của các bộ ngành mà còn là các địa phương, các doanh nghiệp; không chỉ là thể chế mà còn là các nền tảng vật chất. CĐS là toàn dân và toàn diện.

Giải pháp đột phá để đẩy nhanh CĐS là các nền tảng số quốc gia Việt Nam. Trong không gian số thì các nền tảng số chính là hạ tầng. Nền tảng số sinh ra và lưu trữ dữ liệu người dùng, tức là tài nguyên của nền kinh tế số. Các nền tảng số Việt Nam sẽ tạo ra dữ liệu và giữ lại nó ở Việt Nam. Một nền tảng số là nhằm giải quyết, đáp ứng một nhu cầu. Có những nhu cầu mang tính toàn cầu và do vậy, xuất hiện những nền tảng số toàn cầu. Nhưng lại có những nhu cầu Việt Nam, bài toán Việt Nam và đó là không gian cho những nền tảng số Việt Nam. Phiên họp hôm nay của Uỷ ban sẽ công bố đợt một những nền tảng số quốc gia Việt Nam để kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. 

Chúng ta tiếp cận dự án CNTT như là một dự án chỉ có phần chi phí. Không chỉ khu vực công có cách tiếp cận này mà cả các doanh nghiệp kinh doanh cũng có cách tiếp cận này. Chính vì vậy mà dẫn đến hai thái cực: hoặc là không dám chi cho CNTT, hoặc là chi nhiều mà không hiệu quả. CĐS cần một cách tiếp cận khác. Dự án CĐS cần được tiếp cận như một dự án đầu tư kinh doanh. Tức là, giá trị mà dự án CĐS tạo ra phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Đây là cách tiếp cận mới đối với các dự án công. Các giá trị hữu hình và vô hình đều phải được đánh giá. Mức trung bình mà các chính phủ chi cho CĐS (để xây dựng chính phủ số) là 1% ngân sách. Mức cao thì có thể đến 4%. Trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chúng ta đã cam kết chi cao hơn mức trung bình của thế giới. 

Xã hội số Việt Nam là 100 triệu công dân số. Xã hội số chính là thị trường cho kinh tế số, là thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số. Người dân có tự tin và chủ động lên môi trường số, tiêu xài các sản phẩm số thì mới có kinh tế số. Bởi vậy, vai trò của truyền thông về thúc đẩy CĐS mang tính quyết định. Một chương trình truyền thông bài bản, lâu dài, liên tục, hướng tới trung tâm là người dân - công dân số, sẽ phải được thiết kế để tuyên truyền và hướng dẫn về sự di chuyển an toàn vào môi trường số, về các ứng dụng tiện ích cho người dân, về phổ biến các kinh nghiệm hay trong nước và quốc tế. 

Một xã hội số thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang. Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để đạt được điều này. Bộ TT&TT đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để cơ bản hết năm 2022 là xong mục tiêu số 1 và hết năm 2023 là xong mục tiêu số 2. Làm được việc này thì Việt Nam sẽ vào nhóm đầu top 30 về truy cập số. CĐS thì phải là nhóm đi đầu mới có thể bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia.

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu. Vì vậy mà chính sách về dữ liệu có vai trò quyết định cho kinh tế số. Dữ liệu số giống như đất đai. Một loại đất đai mới. Càng nhiều dữ liệu càng nhiều đất đai. Canh tác trên đất đai này bằng công nghệ số sẽ tạo ra giá trị. Có đất đai mới là có giá trị tăng thêm, là có tăng trưởng. Chuyển đổi số tạo ra một loại đất đai mới, có người thì gọi là tài nguyên, có người thì gọi là dầu mỏ. Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của mình, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên mà chưa bao giờ tạo ra tài nguyên. Chính phủ cần có một chiến lược về dữ liệu để tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác dữ liệu này để tạo ra giá trị. Đồng thời với nó là nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ TT&TT và Bộ Công an sẽ trình Chính phủ chiến lược và nghị định này trong năm 2021. 

CĐS là sáng tạo. Mà phải là sự sáng tạo của toàn dân. Việt Nam mạnh nhất là khi phát huy được sức mạnh toàn dân. Để phát huy được sức mạnh toàn dân thì cách tốt nhất là công bố các bài toán CĐS, cả ở tầm quốc gia, bộ ngành và tầm các địa phương, cũng như bài toán CĐS của các doanh nghiệp. Bộ TT&TT xin nhận làm đầu mối để công bố các bài toán CĐS. 

CĐS là cái mới. Bởi vậy mà chia sẻ về cái mới thành công là cách tốt nhất để lan toả và đi nhanh. Cái mới thành công của các địa phương, các bộ ngành, các doanh nghiệp và của cả các quốc gia khác nữa. Và không chỉ chia sẻ thành công mà cả các dự án thất bại và các bài học thất bại nữa. Đề nghị Ủy ban cho ý kiến về một trang web quốc gia để chia sẻ các kinh nghiệm CĐS.

Doanh nghiệp công nghệ số là trung tâm của quá trình đổi mới sáng tạo trong CĐS. Nhưng họ cần thị trường để nuôi sống họ. Họ cần được tiếp cận và tham gia vào các dự án CĐS, cả của Nhà nước và của các doanh nghiệp. Việc công khai các dự án CĐS sẽ là một thúc đẩy CĐS.

Và cuối cùng, để thúc đẩy CĐS đi nhanh và đi đúng hướng thì một bộ chỉ số đo lường, đánh giá về CĐS là rất quan trọng. Chúng ta đã ban hành và tiến hành đánh giá, công bố lần đầu về CĐS chính quyền, bao gồm bộ ngành và địa phương. Tiếp theo sẽ là bộ chỉ số đo lường về kinh tế số và xã hội số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, sẽ được ban hành trong năm nay. Bộ chỉ số đánh giá về CĐS doanh nghiệp do Bộ TT&TT chủ trì cũng sẽ được ban hành trong năm nay.

Kính thưa các đồng chí,

CĐS thì cần một tầm nhìn xa, cách tiếp cận Việt Nam, công cụ đo lường đánh giá, một kế hoạch cụ thể hàng năm, và một số chính sách có tính đột phá. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số sẽ bàn bạc và thống nhất về những vấn đề trên. Tiếp theo đây, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng sẽ trình bầy Kế hoạch năm 2022 và một số kiến nghị chính sách.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí

Các tin bài khác:

Đối tác: