Công ty cổ phần Hanel - Hanel JSC

|
Tiên phong về công nghệ
Hoạt động sự kiện Hanel

CHỦ TỊCH HANEL THAM DỰ TỌA ĐÀM THƯƠNG MẠI SỐ TẠI VIỆT NAM

Ngày 14/7/2025, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm bàn tròn về Thương mại số tại Việt Nam với sự tham dự của Đoàn Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC New Zealand, đại diện Bộ Công thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, cùng các doanh nghiệp Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Công ty Hanel, bà Bùi Thị Hải Yến, tham dự và thảo luận tại buổi Tọa đàm.

Buổi Tọa đàm do bà Caroline Beresford, đại sứ New Zealand chủ trì tổ chức, nhân chuyến công tác dự Cuộc họp thứ 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC tại Hà Nội của Đoàn Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC New Zealand.


Buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề về Thương mại số tại Việt Nam

Tại buổi Tọa đàm, đại diện Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ chia sẻ về các hành lang pháp lý cho thương mại điện tử tại Việt Nam.  Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào các thảo luận liên quan tới thương mại số, kinh tế số tại các diễn đàn khu vực và thế giới.


Chủ tịch HĐQT cùng  Đại sứ NewZealand

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Tọa đàm, trong đó có Chủ tịch HĐQT Công ty Hanel, bà Bùi Thị Hải Yến, đã trao đổi thảo luận, chỉ ra một số thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm việc cập nhật với các xu hướng mới, đặc biệt trong sự cạnh tranh với các quốc gia có thế mạnh về công nghệ cũng như sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa các quốc gia vừa và nhỏ như New Zealand và Việt Nam trên cả bình diện song phương là hết sức quan trọng, hỗ trợ giảm các chi phí trung gian trong giao dịch thương mại, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tạo nên các lợi thế so sánh trong các hoạt động thương mại của các quốc gia.

Phía New Zealand đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa ra các khuôn khổ pháp lý của các hoạt động trên nền tảng số từ sớm, coi đây là khuôn khổ quan trọng để đảm bảo các hoạt động được an toàn, an ninh, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quốc gia. Cả hai bên đều đồng tình về việc với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay, sẽ có những vấn đề các khuôn khổ pháp lý chưa thể cập nhật và bao trùm, trong đó nổi bật là quản lý việc áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) trong các hoạt động thương mại điện tử.

Về các cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam: Hai bên đều đồng tình về việc Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển thương mại số, thương mại điện tử do có nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin, tỷ lệ người dân tiếp cận với internet cao và sự cởi mở trong việc sử dụng mạng xã hội cũng như các nền tảng mua bán, giao dịch số. Các thế mạnh này đã tạo ra sự bùng nổ về thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm gần đây, đem lại các cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này có khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn.

Hai bên cũng chia sẻ các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như nông nghiệp thông minh, mỹ phẩm tự nhiên, số hóa cơ sở hạ tầng… cho rằng buổi Tọa đàm là một điểm khởi đầu quan trọng cho các kết nối về thương mại trong tương lai.

Tin tức nổi bật