Gần 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng Biên tập Báo Công Thương nhấn mạnh: “Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Bộ Công Thương đang hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025–2035, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12–15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15–20% mỗi năm”.
Trong phần Tọa đàm, khi được đề nghị đánh giá về mức độ ứng dụng công nghệ số hiện nay trong các doanh nghiệp logistics Việt Nam, bà Bùi Thị Hải Yến nhấn mạnh việc cần phân biệt rõ giữa “Ứng dụng công nghệ số” và “Chuyển đổi số”. Ứng dụng công nghệ số là việc ứng dụng một hay một vài công nghệ số như IoT, Big data, AI, Blockchain,… vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất cũ. Còn Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, từ phương thức sản xuất thủ công – bán tự động hiện nay sang phương thức sản xuất số. Chuyển đổi số có ý nghĩa và vai trò cao hơn rất nhiều so với ứng dụng công nghệ số rời rạc. Bà cho biết Hiệp hội doanh nghiệp Logistics VLA có kế hoạch cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ mới nhất trong việc xây dựng các mô hình logistics số cho các doanh nghiệp hội viên và từng bước triển khai chuyển đổi số trong ngành Logistics.
Liên quan đến việc xây dựng bản đồ logistics số toàn quốc mà Bộ Công thương đang chuẩn bị triển khai, Bà Bùi Thị Hải Yến cho biết, Công ty Hanel sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành công giải pháp Chuyển đổi số đầu tiên cho quản lý giao thông vận tải đường bộ tại Việt Nam - Hệ thống giám sát hành trình – được Cục Đường bộ Việt Nam triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/1/2017. Hệ thống có khả năng kết nối hơn 1 triệu phương tiện 24/7, đồng thời truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất 25 giây và xử lý hàng tỷ bản tin với dung lượng lên đến hàng trăm GB mỗi ngày.
Nội dung tọa đàm của Chủ tịch HĐQT Công ty Hanel nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp tham dự Hội thảo và Bộ Công thương.