Hanel - Tri thức mới và khát vọng thành công

Thành lập ngày 17/12/1984, ở thập kỷ bùng nổ cách mạng khoa học kỹ thuật về công nghệ điện tử, người tiêu dùng Việt Nam đều biết đến cái tên Hanel với những sản phẩm điện tử dân dụng: lúc đầu là TV đen trắng, radio, sau đó đến TV màu rồi TV màn hình phẳng, TV tinh thể lỏng (LCD), đèn hình TV, màn hình máy tính và các sản phẩm điện khác như: máy tính, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, đầu DVD, đầu thu kỹ thuật số, điện thoại,... những sản phẩm ấy đã làm thay đổi cuộc sống, mang lại lợi ích cho hàng triệu người tiêu dùng.

Thời hoàng kim của Hanel với 10 năm chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu được ghi nhận bằng con số 400 tỷ đồng doanh thu vào năm 1994 với hàng loạt các dự án liên doanh có tính chất bước ngoặt cho thời kỳ đổi mới. Những năm sau đó, cùng với sự tràn vào ồ ạt của các hãng điện tử hàng đầu thế giới vào năm 1996, rồi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997- 1998, cũng như các doanh nghiệp điện tử khác, Hanel đã gặp khó khăn lớn, rơi vào khủng hoảng của ngành điện tử, có lúc đã bị đình trệ, làm ăn không có lãi, chậm trả lương công nhân. Song khó khăn lớn nhất của Hanel trong 10 năm tiếp đó là chưa tìm được một hướng đi phù hợp để vươn lên trong điều kiện đổi mới.

Một doanh nghiệp nếu muốn đứng vững và phát triển bền vững thì điều quan trọng số một là phải có một định hướng chiến lược, mục tiêu rõ ràng, những bước đi vững chắc. Từ suy nghĩ ấy, TS Nguyễn Quốc Bình- Tổng Giám đốc Hanel đã tìm thấy một sự quyết tâm mạnh mẽ khi ông lên nắm giữ chức vụ này vào tháng 6/2007. Hướng đi ấy được ông hoạch định và xây dựng lại cơ cấu ngành hàng, củng cố lại bộ máy công ty và các thành viên; xây dựng thị trường trong nước, quốc tế; đặc biệt cơ cấu lại vốn đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh chính. Công ty xác định, các dự án trọng điểm sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm gia dụng mà cả công nghệ thông tin, phần mềm, những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, mang đặc thù kinh tế tri thức. Lĩnh vực tin học, viễn thông, công nghệ mạng, công nghệ thông tin được chú trọng hàng đầu và đã có những bước đi vững chắc. Hanel cũng từng bước mở rộng sự hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ; đang vươn tới để trở thành một “khâu” trong sản xuất, lưu thông quốc tế, một điều rất cần để có thể cạnh tranh trên sân chơi hội nhập. Đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học có trình độ, tâm huyết đã được quy tụ và trở thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh cùng quyết tâm thực hiện mô hình đã lựa chọn. Chỉ trong vòng gần 1 năm kể từ ngày hướng đi được mở ra, năm 2007, Hanel đã đạt hiệu quả rõ rệt với doanh thu 538 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng, tăng hàng chục lần so với năm 2006. Chỉ trong vòng gần 2 năm, năm 2008, Hanel đã đạt doanh thu 761 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 160 tỷ đồng, xuất khẩu 37,6 triệu USD. Tăng trưởng đạt trên 40% về doanh số và kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm của Hanel đã được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” 3 năm liên tục. Năm 2008 được ghi nhận là năm thành công “đỉnh cao” nhất trong còng 24 năm qua. Điều bất ngờ hơn là thành công này đạt được lại vào chính thời điểm khó khăn, thách thức khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế như cơn bão đang trùm lên không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà cả thế giới. Điều có ý nghĩa đằng sau những con số khả quan ấy là một niềm tin vào sự đúng đắn về “con đường” mà Hanel đã chọn và quan trọng hơn nữa là tiền đề cho sự phát triển vững chắc trong tương lai.

Từng gắn bó với Công ty Điện tử Hà Nội đã hơn hai mươi năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Bình thấu hiểu về công ty, về lĩnh vực điện tử vốn rất non trẻ của Việt Nam. Hơn ai hết, ông cũng rất hiểu được sự khốc liệt của kinh tế thị trường và quy luật của sự sinh tồn, cái mới sẽ thay thế cái cũ, cái tiên tiến sẽ thay thế cái lạc hậu... Sự cạnh tranh và phát triển có thể làm mất đi một Orion- Hanel hay một Daewoo- Hanel “ốm yếu” là một trong 24 đơn vị thành viên Hanel, không bắt kịp sự đổi mới- Tổng Giám đốc trầm lặng khi nói về điều này- nhưng đổi lại, sẽ xuất hiện “nhân tố” mới, và hơn thế, có một tập đoàn Hanel vững mạnh, một thương hiệu mạnh trong tương lai. Và ông cũng rất lạc quan khi nói về các sự án mà Hanel triển khai với quy mô lớn, trong đó có dự án đô thị công viên công nghệ phần mềm lớn nhất Hà Nội, dự án khu đô thị công viên khoa học công nghệ Tân Tạo- Hanel … mở ra một hướng phát triển rộng hơn cho công ty.

Đối với một người lãnh đạo, mọi đường đi nước bước của công ty từng phải được ăn sâu vào tiềm thức, phải được định hình sẵn để có thể hành động ngay sau khi nắm quyền quyết định vận mệnh doanh nghiệp. Chân lý đó được ông đúc rút từ cuốn sách “90 ngày đầu tiên làm lãnh đạo” của Giáo sư Michael Watkins thuộc trường Đại học Harvard (Mỹ): “ 90 ngày nắm quyền lãnh đạo nếu không làm được gì thì coi như đã thất bại”, điều này đã không xảy ra với TGĐ Nguyễn Quốc Bình. Từ sách vở đến thực tiễn và hành động, ông đã vận dụng thành công, đúng với vai trò của người đứng đầu một doanh nghiệp với một tầm nhìn chiến lược, một mục tiêu rõ ràng. Bên cạnh ông là một tập thể văn hóa Hanel chứa đựng tri thức mới và khát vọng thành công, chắc chắn sẽ làm nên một thương hiệu Hanel tỏa sáng trên chặng đường mới./.

- Yến Hoa-

Các tin bài khác:

Đối tác: