DOANH NHÂN BÙI THỊ HẢI YẾN: TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHỆ, CHÚNG TÔI LUÔN CHỌN VỊ TRÍ TIÊN PHONG

Đặt và trả lời câu hỏi, Hanel sẽ ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0 là lý do để Tổng giám đốc CTCP Hanel Bùi Thị Hải Yến và đội ngũ của Hanel luôn ở thế sẵn sàng xung trận.

“Hanel chuyển đổi số”
Công ty cổ phần Hanel vừa được xướng danh trong Giải thưởng Chuyển đổi số năm 2020, với Giải pháp Giao thông thông minh trên nền tảng bản đồ số.

Đây là sản phẩm duy nhất đang được áp dụng trong lĩnh vực giao thông - vận tải, có khả năng kết nối hơn 1 triệu phương tiện đồng thời truyền dữ liệu về trung tâm với tần suất 25 giây và xử lý hàng tỷ bản tin với dung lượng lên đến hàng trăm GB mỗi ngày. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 63 sở giao thông - vận tải, 132 đơn vị dịch vụ giám sát hành trình, 100% doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã, hộ kinh doanh gia đình về vận  tải, các xe hợp đồng được kết nối trên nền tảng này, khai thác hệ thống dữ liệu theo thời gian thực...

Đó là thông tin Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số 2020 đã giới thiệu về Giải pháp mà Hanel đoạt giải. Có thể coi đây là một dấu ấn của “Hanel chuyển đổi số”, thưa bà?

Nói một cách chính xác, chúng tôi, gồm Hanel và doanh nghiệp công nghệ thông tin tạo ra công cụ để các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức, các thành phần trong nền kinh tế ứng dụng, chuyển đổi số. Còn về bản chất, Hanel vẫn theo đuổi chiến lược tiên phong trong công nghệ thông tin, mà lúc này, thời điểm này, là các giải pháp, công cụ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Giải pháp giao thông thông minh của Hanel được xây dựng cho cả 5 phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt. Hiện nay, giải pháp được áp dụng trong lĩnh vực đường bộ, thu thập thông tin, phân loại, phân tích dữ liệu… về các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hoá như các xe taxi, xe công nghệ, xe buýt nội đô, xe buýt đường dài, xe cho thuê và hạ tầng giao thông.
Trên nền tảng này, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải… đều tìm thấy thông tin mình cần theo thời gian thực, như là biết xe nào đang đi lệch hành trình đã đăng ký, xe nào vi phạm tốc độ, tuyến vận tải nào đang quá tải, cần hiệu chỉnh…

Việc cập nhật được trạng thái của hạ tầng giao thông rất quan trọng. Ví dụ, trên hệ thống đường bộ, camera thường xuyên chuyển về trung tâm dữ liệu lưu lượng dòng phương tiện qua từng nút giao thông, từng cây cầu, trạng thái của mặt đường, hệ thống biển báo, chiếu sáng…
Đó là dữ liệu quý giá cho việc lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Xa hơn một chút, từ dữ liệu lớn được cập nhật bởi các thiết bị IoT phủ khắp cả nước này, dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), có thể tự động hóa xây dựng các phương án bảo trì tối ưu.

Tất cả thông tin, dữ liệu đều được phân tích nhiều chiều, từ chi tiết đến tổng hợp cho các nhu cầu sử dụng khác nhau, nắm bắt được đầy đủ và tức thời mọi vấn đề đang diễn ra. Đây là yếu tố giúp cải thiện chất lượng công tác quản lý giao thông vận tải.

Tại sao lại là một giải pháp về giao thông, thưa bà?


Tại sao không là những giải pháp về giao thông? Trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi thực sự nhanh, giới hoạch định chính sách vẫn hay đặt vấn đề Việt Nam sẽ ở đâu, sẽ lên kịp chuyến tàu 4.0 hay không, để từ đó xác định chiến lược phát triển đất nước.
Chúng tôi cũng tự đặt cho mình câu hỏi đó và xác định rõ, Hanel sẽ không chỉ kịp chuyến tàu, mà còn phải lên những toa đầu, để xác định sẽ làm gì, làm thế nào trong thị trường khoa học công nghệ rộng lớn và sôi động này.

Nhóm nghiên cứu của Hanel đã nhận thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam là một trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch của khu vực, do vậy xu hướng không thể khác là cần có một hệ thống giao thông phát triển ở tất cả phương thức.

Quyết định tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin cho giao thông - vận tải được quyết định từ đó. Bắt đầu bằng các giải pháp từ nhỏ đến lớn, bám theo chiến lược phát triển, chương trình hành động của ngành.

Cũng phải kể đến một số giải pháp, sản phẩm đã được sử dụng, như hệ thống cân kiểm tra trọng tải xe lưu động được triển khai trên cả nước từ năm 2014 đến giờ vẫn được đánh giá cao, hiệu quả và ổn định.
Trước đó, khi thấy hệ thống cân kiểm tra tải trọng phải nhập khẩu, chúng tôi tự hỏi: Không lẽ doanh nghiệp Việt không thể làm sản phẩm này? Không lẽ chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chỉ dành cho sản phẩm trong siêu thị?
Chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng của việc ứng dụng CNTT, có hệ thống có chất lượng tốt, nhưng lại không chia sẻ dữ liệu, không kết nối với nhau. Trong khi đó, đây lại là vấn đề quan trọng nhất. Mặt khác, từ góc độ quản lý, dù là ở các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, yếu tố tiên quyết là thông tin phải được cập nhật và cung cấp cho cấp quản lý tại thời điểm xem xét, phục vụ việc ra quyết định được chính xác nhất.

Vậy là năm 2014-2015, Hanel đã khởi động nghiên cứu Giải pháp Giao thông thông minh trên nền tảng bản đồ số, với tư duy là theo xu thế phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ cần đến giải pháp này. Hệ thống với kiến trúc mở, cho phép phát triển mở rộng theo cả chiều dọc nghiệp vụ ngành lẫn chiều ngang về quy mô hạ tầng đáp ứng số lượng gia tăng. Các cổng API cũng sẵn sàng kết nối trao đổi, chia sẻ thông tin với mọi hệ thống còn lại, dần đồng bộ thông tin của các hệ thống quan trọng đã được triển khai, sử dụng.

Thực tế triển khai đã chứng minh giá trị vô cùng to lớn mà hệ thống mang lại. Ngành giao thông nay đã có 1 nguồn dữ liệu tổng thể và tức thời về giao thông vận tải cho phép nắm rõ hiện trạng từng thời kỳ, từng khía cạnh.

Với sự cho phép của Tổng cục Đường bộ, Ngân hàng Thế giới đang phối hợp phân tích dữ liệu hành trình xe tải, xe chở khách trong thời kỳ dịch Covid-19 để đánh giá mức độ tác động của đại dịch đến nền kinh tế, từ đó khuyến nghị cách thức ứng phó và hoạch định chính sách phù hợp.

Có nghĩa là đây là một giải pháp của Hanel?

Đúng vậy. Khác với hoạt động thuê ngoài (outsourcing) là gia công từng chi tiết của giải pháp theo yêu cầu của chủ đầu tư, cũng không phải hình thức công - tư kết hợp, chúng tôi sáng tạo giải pháp, ứng dụng theo nhu cầu, theo dự báo hay nói cách khác là đón đầu nhu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Khi cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu sử dụng, chúng tôi đã có giải pháp có thể đáp ứng tới 70-80%, phần còn lại sẽ được hoàn thiện nhanh chóng sau khi làm việc cụ thể. Nhờ vào việc sở hữu năng lực về phát triển phần mềm cũng như hạ tầng, thiết bị, hệ thống giao thông thông minh của Hanel cũng được thiết kế chặt chẽ, hiện đại giữa  giải  pháp phần mềm và nền tảng hạ tầng để đảm  bảo sức mạnh của hệ thống đáp ứng việc hoạt động liên tục.
Hiện tại, chúng tôi đang cùng vận hành hệ thống, đảm bảo sự thông suốt và cập nhật theo các yêu cầu quản lý mới hay sự phát triển của thị trường.

Đánh giá về hệ thống, các cơ quan quản lý giao thông - vận tải đều xác nhận, việc sử dụng hệ thống góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung và trong quản lý kinh doanh bằng xe vận tải nói riêng.
Chúng tôi thực sự cảm động. Trong kinh doanh, lợi nhuận là quan trọng, nhưng giá trị mà doanh nghiệp tạo ra không chỉ là các con số trên bảng cân đối kế toán, mà còn là những đóng góp, dù nhỏ, vào sự phát triển của ngành huyết mạnh của nền kinh tế.

Sứ mệnh tiên phong

Ngay từ đầu, Hanel hình thành để là con chim đầu đàn. 36 năm trước, năm 1984, khi Hà Nội cần có một thương hiệu mang tính đại diện cho ngành công nghiệp, Hanel đã ra đời trên cơ sở hợp nhất ba cơ sở sản xuất của Ban Điện tử của UBND TP. Hà Nội, Xí nghiệp Radio (thuộc Sở Thương nghiệp) và Xí nghiệp Sửa chữa máy thu hình (thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội).

Hiện tại, nhắc đến Hanel là nhắc đến công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nhắc đến Hanel nhà sản xuất, nhà đầu tư bất động sản

Trở lại chính câu hỏi mà bà đã đặt ra, Hanel sẽ là gì trong bối cảnh hiện tại, Hanel công nghệ thông tin, Hanel khu công nghiệp hay Hanel sản xuất…?

Khi Việt Nam bắt đầu phát triển các khu công nghiệp, Hanel xây dựng mô hình khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, là Khu Công nghiệp Sài Đồng, năm 1993. Có thể nói, khu công nghiệp này như một sự thử nghiệm – mà bây giờ chúng ta có thuật ngữ là sandbox, để từ đó, Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp.
Trong ngành điện tử, trong hoạt động liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, Hanel cũng là những doanh nghiệp đi đầu…

Dù là một doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, nhưng với sứ mệnh được giao, ngay từ đầu, Hanel không đóng đinh vào những việc đã làm, hay có thể nói là không đóng đinh vào bất cứ thành công nào. Trong kinh tế thị trường, nguyên tắc này càng rõ ràng, cơ hội luôn rộng mở và những tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực, có tầm nhìn luôn sẵn sàng với cơ hội mới.

Điều quan trọng, chúng tôi làm gì cũng trên nền tảng của chữ tín, của lòng tin, trên nền tảng của sức sáng tạo, sự sẵn sàng đi đầu, theo kịp các xu thế phát triển mới.

Doanh nghiệp tiên phong có sức ép gì không, thưa bà?

Doanh nghiệp đi trước có niềm tự hào tiên phong, nhưng vất vả và rủi ro nhiều.
Ngay với Giải pháp Giao thông thông minh trên nền tảng bản đồ số, chúng tôi chủ động toàn bộ, từ nguồn vốn đầu tư, nhân lực, sau đó giới thiệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về các hiệu quả của ứng dụng,… để thực sự đi đầu trong việc thực hiện số hóa.
Nhưng cũng nhiều dự án không thành công, không dùng được. Với người kinh doanh, quyết định chấp nhận rủi ro để đầu tư lớn là một khó khăn, nhưng với một doanh nghiệp có vốn nhà nước còn khó khăn hơn.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp tiên phong đó là hệ thống quy định, cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện.
Điểm nữa là, trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ số với dữ liệu lớn, nếu doanh nghiệp Việt Nam không thu thập thông tin, không xây dựng dữ liệu lớn của các ngành, lĩnh vực, sẽ đến lúc họ - các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu bên ngoài – sẽ hiểu thị trường Việt Nam hơn chúng ta, hiểu rõ ta hơn cả ta.

Đặc biệt, trong cuộc cách mạng về công nghệ, nếu chậm thì sẽ mất hút chứ không có cơ hội bám đuổi. Đó là lý do chúng tôi luôn chọn vị trí tiên phong xung trận./.

 
Nguồn : Báo Đầu tư

Các tin bài khác:

Đối tác: